Người hát rong thuê vệ sĩ chó
Chàng hát rong tâm sự: “Nhiều người không nhận ra tôi đang ngồi trong thùng và cứ coi như tiền không chủ. Phải vất vả lắm mới chui ra chui vào cái thùng này được. Bởi vậy tôi đã mang Obi đi cùng. Chú chó này rất ngoan và chỉ đứng trên nóc thùng, nhìn mọi người qua lại”.
Theo Ananova, ban đầu, Charlie biểu diễn trong thùng như một trò vui. “Một ngày, tôi nhìn thấy thùng rác rỗng ở trung tâm thành phố và tôi liền nghĩ mình có thể chui vừa trong đó. Tôi chui vào để làm trò với bạn bè. Sau đó, tôi học chơi đàn guitar và một người bạn nhắc lại chiếc thùng. Bởi vậy tôi quyết định kết hợp hai thứ đó”.
Charlie nói rằng, anh luôn thu hút rất đông người tò mò khi họ không biết tiếng hát cất lên từ nơi nào. “Họ có thể nghe thấy tôi nhưng không nhìn thấy. Bởi vậy họ luôn dừng lại và cố gắng tìm xem tôi ở đâu”.
Tuy nhiên, ở trong thùng cũng khiến anh chàng này gặp nhiều phiền phức: “Thỉnh thoảng có người lại ném rác vào trong thùng vì không biết tôi đang ở trong”, anh kể.
Đội nữ vệ sĩ bảo vệ yếu nhân Thổ Nhĩ Kỳ
Có cả một đội nữ vệ sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ: đó là các cô gái tên Aiché, Songul, Essin, Aylin, Tuba… Họ làm việc cho cơ quan đặc biệt bảo vệ yếu nhân trong Sở Cảnh sát Istanbul.
Giáo trưởng Giáo hội Chính giáo BartholoméI của Constantinople (tên cũ của Istanbul) là một trong những yếu nhân được bảo vệ hiệu quả nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vừa qua, trong lễ ban phúc lành ở giáo đường Saint-Dimitar của Bugaria, nếu chú ý người ta sẽ nhận ra một phụ nữ luôn đi theo giáo trưởng. Người phụ nữ kín đáo dò xét mọi người, không bỏ qua bất cứ động tĩnh gì xung quanh. Trẻ tuổi và mảnh khảnh, cô gái mặc comple thanh lịch màu xám và không đeo đồ trang sức như bao phụ nữ bình thường khác. Nếu quan sát gần người ta sẽ nhìn thấy một sợi dây trong mờ mắc vào tai của cô gái và một “cục u” gồ lên bên thắt lưng – tất cả chứng minh đây là một nữ vệ sĩ.
Có cả một đội nữ vệ sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ: đó là các cô gái tên Aiché, Songul, Essin, Aylin, Tuba… Họ làm việc cho cơ quan đặc biệt bảo vệ yếu nhân trong Sở Cảnh sát Istanbul. Khoảng 750 người làm việc trong Sở Cảnh sát Istanbul, trong đó 200 người có nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân trong nước và nước ngoài công du đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và phụ nữ chiếm 15% quân số đội bảo vệ yếu nhân.
Khi bảo vệ gần Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhóm nữ vệ sĩ chia ra thành các nhóm nhỏ hơn để công tác bảo vệ được hiệu quả – 3 người lo cho an ninh của thủ tướng, 3 người khác bảo vệ các thành viên gia đình của ông. Và cũng như thế đối với phu nhân tổng thống, Gul. Nữ vệ sĩ Thổ nhĩ Kỳ cũng bảo vệ một số VIP nước ngoài, từ Nữ hoàng Anh Elizabeth cho đến lãnh đạo Muammar Kadhafi của Libya.
Người ta dễ dàng phát hiện ra họ trong các phái đoàn do họ không hề đeo nữ trang, không trang điểm, không mang ví cầm tay hay giày cao gót. Mà ngược lại, họ được trang bị còng tay, tai nghe, súng và một băng đạn phụ. Ngoài ra họ có thể mang kính đen hay màu nhạt. Khi bảo vệ các nhà lãnh đạo Iran hay Arập Xêút, nữ vệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mang mạng che mặt.
Dĩ nhiên nữ vệ sĩ phải tinh thông nhiều môn võ nghệ. Họ được chọn lọc qua nhiều lần kiểm tra căng thẳng, trong đó bao gồm khả năng ngoại ngữ. Aiche Sen, lớn tuổi nhất trong đội nữ vệ sĩ, đã trải qua 10 năm trong nghề. Chị là nữ cảnh sát đầu tiên được giao nhiệm vụ bảo vệ một nguyên thủ quốc gia. Nữ đồng nghiệp của chị, Songul Tépé, cũng đã qua 8 năm trong nghề này. Ngày nay cả hai phụ nữ này đã là chỉ huy đội nữ vệ sĩ và nhiều đồng nghiệp nam cũng dưới quyền của họ. Songul nói: “Các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi đều trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi. Có lẽ vì vệ sĩ ở nước họ đều là đàn ông”.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người nhận công tác bảo vệ yếu nhân không đòi hỏi phải là nam giới. Vệ sĩ cũng phải can thiệp trong trường hợp xảy ra sự lăng nhục, xúc phạm. Aiché nhấn mạnh: “Trong những tình huống như thế, một yếu nhân có thể bị lăng nhục bằng ngôn từ và lời qua tiếng lại có thể dẫn đến xô xát. Chính vì thế mà chúng tôi bắt buộc phải nhanh chóng làm chủ những yếu tố gây rối loạn”.
Còn Essin Adzar nằm trong số những phụ nữ trẻ mới được Sở Cảnh sát Istanbul tuyển mộ. Cô được biên chế vào đội nữ vệ sĩ tinh nhuệ này chỉ mới 1 năm nay. Essin Adzar được tham gia đội nữ vệ sĩ sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa huấn luyện đặc biệt dành cho những sĩ quan tương lai của Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên môn của Essin Adzar là lái xe thể thao. Cô còn độc thân nhưng phần đông những phụ nữ này đều đã có gia đình riêng và chồng của họ thường cũng là đồng nghiệp.
Tuba Aktan nói: “Chung sống với một cảnh sát chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhưng khi hai người cùng một cảnh ngộ thì cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Vì chỉ có cảnh sát mới hiểu được hoàn cảnh của nhau mà thôi”
Di An (theo Courrier)
Theo ANTD
Công ty SBC
Nhọc nhằn nghề bảo vệ đêm
Công ty bảo vệ SBC – Trong đêm tối, dưới ánh đèn điện cao áp mờ mờ, P.V.D (19 tuổi, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang bảo vệ cho một công ty trên đường Nguyễn Tri Phương gật gà ngồi ngủ. Thấy chúng tôi, D. tái mặt ấp úng bởi nghĩ chúng tôi là người quản lý lực lượng bảo vệ. Dúi dúi đôi mắt, D. nói: Em xin lỗi vì buồn ngủ quá. Cả ngày hôm qua không ngủ được.
Dù trời nắng hay trời mưa, dù khó khăn, nhọc nhằn nhưng vì mưu sinh nên lực lượng bảo vệ vẫn không rời mục tiêu.
Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, D. ngập ngừng nói: Là con trai đầu trong gia đình có 6 anh em. Nhà nghèo, mới học lớp 11 em phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí. Ở quê, không có nghề nghiệp, em cùng bố đi bắt chim, sập thú hằng ngày, cuộc sống hết sức túng thiếu. Bên cạnh đó, nhà đông người, ruộng vườn lại ít nên rất khó khăn. Mới 17 tuổi, em phải bôn ba nhiều nơi để lao động kiếm sống nhưng đồng lương quá ít, không đủ tiền để giúp gia đình. Nghe một người quen giới thiệu, em đến Đà Nẵng xin vào làm nghề bảo vệ với hợp đồng mỗi tháng gần 2 triệu đồng.
Có điều, em phải trực ca đêm. Ban đầu mới vào trực, em không chịu nổi sự buồn ngủ. Tưởng chừng như em phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, sự khó khăn trong tìm việc của một kẻ không bằng cấp như mình, nên em đã cố thích nghi và từng bước vượt qua. Dù hiện nay, đôi lúc ban ngày không ngủ được, ban đêm cũng phải gà gật nhưng em phải hết sức cố gắng để làm tốt nhiệm vụ, không để bị trách phạt. Trình độ như bọn em, nếu không bán sức lao động để làm thuê với một cái giá rẻ mạt thì khó kiếm đâu một công việc tốt, nhẹ nhàng. Nghề bảo vệ dù nhọc nhằn, nhưng chúng em được tôn trọng khi làm việc và nếu biết tiết kiệm thì mỗi tháng cũng có tiền gửi về để phụ giúp gia đình.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hàng trăm người bảo vệ phải làm việc ban đêm. Đêm về là lúc gia đình được sum vầy, nhưng những con người ấy phải bỏ qua những giây phút được ở bên gia đình, vợ con, gắng gượng chống chọi với sự rét lạnh, những lúc buồn ngủ đến điên người, không gian vắng lặng đến cô độc.
Không chỉ vậy, họ bỏ qua cả những niềm vui chung của xã hội chỉ vì mưu sinh. Trong những đêm diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010, hàng chục nghìn người ồ ạt kéo về bờ sông Hàn thơ mộng để thưởng ngoạn. Nhưng đối với những người làm nghề bảo vệ ban đêm, họ phải cố quên điều đó để chú tâm làm tốt công việc của mình. Anh Huỳnh V. T. làm bảo vệ tại một công ty trên đường Nguyễn Văn Linh thổ lộ: Nghe tiếng pháo hoa nổ mà lòng nao nao, muốn bỏ “mục tiêu” để đi xem. Nhưng ngẫm lại, vì miếng cơm manh áo nên ngậm ngùi “hưởng thụ” bằng thính giác. Cuộc sống mà, biết làm sao được! Xã hội đã phân công mỗi người mỗi nghề, mình không có trình độ đành chịu thôi. Nếu bỏ đi, lỡ bị đuổi việc thì sao?
Vất vả đã đành, nghề bảo vệ còn phải đối mặt với những hiểm nguy trong đêm tối. Theo ngành Công an cho biết, những năm qua, có nhiều vụ án tội phạm đã tấn công lực lượng bảo vệ để cướp tài sản. Những vụ án như thế thường có số tài sản bị mất rất lớn. Điển hình, vào giữa năm 2003, trên đường Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng), bọn tội phạm đã trói bác bảo vệ của một cơ quan Nhà nước để cướp hơn 1,6 tỷ đồng. Năm 2005, tại tiệm vàng T.N, kẻ gian đột nhập dùng dây trói, nhét giẻ vào mồm bảo vệ, sau đó ngang nhiên cướp đi 15kg vàng cùng nhiều đồ vật khác. Mới đây nhất, vào ngày 5-8-2009, bọn cướp đã đột nhập vào một trường học trên địa bàn quận Thanh Khê, trói bảo vệ rồi cạy két sắt lấy đi hàng chục triệu đồng.
Qua một số vụ trói bảo vệ, cướp tài sản nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Theo như ngành Công an, hiện nay, bọn tội phạm hết sức manh động. Để hoạt động phạm tội, bọn chúng có quá trình theo dõi. Sau khi phát hiện các cơ quan, doanh nghiệp không có lực lượng bảo vệ, hoặc có nhưng mỏng thì chúng ra tay hành động. Khi tiếp xúc với những người bảo vệ ban đêm, họ cho biết: Khi phải bảo vệ ở những doanh nghiệp có tài sản lớn thì càng thấy lo lắng hơn. Nếu như bọn tội phạm có ý đồ xấu thì một mình khó để đối phó. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình, chỉ hy vọng các lực lượng chức năng phát huy sức mạnh để xã hội ngày càng ổn định, không còn bọn tội phạm lộng hành.
Công ty dịch vụ bảo vệ SBC St
Gian nan nghề Bảo Vệ, Vệ Sĩ
Dịch vụ bảo vệ SBC – “Đơn điệu, buồn tẻ! Nghề này là vậy, chẳng có gì vui đâu!” – Hiền, vệ sĩ một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhất nhì thành phố, bộc bạch khi chúng tôi đòi nghe những chuyện vui buồn trong đời vệ sĩ của anh.
Theo anh, làm nghề này, riết rồi những thói quen trong công việc cũng nhiều lúc “bị ứng dụng” một cách rất tự nhiên vào trong cuộc sống đời thường. Đến bất cứ chỗ nào, cặp mắt cũng láo liên để quan sát cách ăn mặc của người này, từng cử chỉ của người nọ. Những hôm không có ca trực, tranh thủ đi chơi với vợ, đến chỗ đông người – như một phản xạ quen thuộc – việc đầu tiên của anh là đảo mắt tìm… chuông báo động, bình chữa cháy, lối thoát hiểm! Vậy đó (dù không hề cố ý), an toàn vẫn là ưu tiên số một. Chuyện vui vẻ tính sau!…
Anh T., nhân viên công ty A, cho biết, đề phòng những trường hợp người cai nghiện đói thuốc “làm ẩu”, anh phải theo sát nhất cử nhất động của họ. Đến nỗi, lúc người cai nghiện đi tiểu, anh cũng phải đứng canh bên ngoài toalet! Nhưng giới bảo vệ nhận xét, theo nghề này, “nhẫn” nhất là những người làm việc trong các khách sạn, nhà hàng; còn “liều” nhất là những người làm trong các quán bar, vũ trường, sàn nhảy. Làm nhà hàng phải cực “nhẫn” vì phải chiều lòng hai tầng “thượng đế”; còn làm trong các quán bar, vũ trường, khó tránh những nguy hiểm đến tính mạng!
Có vẻ xương xẩu như thế, nhưng nghề vệ sĩ khá “hút hàng” trong vài năm gần đây. Càng ngày, càng có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này ra đời. Theo đó, đông đảo lao động, nhất là giới trẻ, nô nức tham gia. Hầu như các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều có quy trình tuyển dụng người na ná nhau. Trẻ, khỏe, thể hình tốt – đó là điều kiện cần để “đóng” tên mình vào những lớp chiêu sinh vệ sĩ. Qua vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp theo một giáo trình riêng. Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng, các vệ sĩ tương lai sẽ được trang bị một số “vốn” căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan về luật (Luật Lao động, Luật Hình sự…) tác phong làm việc (cách viết báo cáo, ghi chép điều tra, thẩm vấn; cách sử dụng các loại máy thông tin; rèn luyện trí nhớ); phương pháp phòng chống trong những trường hợp cụ thể; cách bảo vệ, tự vệ, sơ cấp cứu, phòng cháy, chữa cháy… Thế vẫn chưa ổn đâu. Xong khóa đào tạo, các học viên này sẽ được phân công về các nhà máy, công trường, công ty, xí nghiệp, cao ốc… để thực nghiệm. Qua kỳ sát hạch, trở thành nhân viên chính thức của công ty, lúc ấy, mới được gọi là vệ sĩ – tức là một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp.
Bát nháo chuyện thương trường
Nhiều người đưa giả thuyết, nghề vệ sĩ ở ta hiện nay có gốc gác sâu xa từ hoạt động bảo tiêu bên Trung Quốc. Nếu giả thuyết ấy đúng thì nghề này đã có lịch sử từ mấy ngàn năm rồi! Manh nha từ đời nhà Tống, nghề bảo tiêu phát triển cực thịnh dưới thời Mãn Thanh, ấy là do thời gian này hoạt động giao thương quốc tế được mở rộng hơn nhờ con đường tơ lụa. Nhưng có lẽ, Âu – Mỹ mới là mảnh đất phì nhiêu cho nghề vệ sĩ sinh sôi, nhất là trong khoảng thời gian gần trăm năm trở lại đây. Nhưng còn ở Việt Nam, chỉ từ khi nước ta bắt đầu mở cửa, nghề này mới dần dà trở thành một nhu cầu thực tế và ngày một phát triển như hiện nay.
Lúc trước, thường các cơ quan doanh nghiệp đều chỉ sử dụng “bảo vệ vườn” – tức là lực lượng bảo vệ của chính nội bộ cơ quan, tổ chức ấy. Dần dần, khi nghề vệ sĩ bắt đầu hình thành và bắt nhịp với đời sống hiện đại, lớp bảo vệ “cây nhà lá vườn” mới ngày một ít dần đi. Thay vào đó là xu hướng sử dụng những vệ sĩ chuyên nghiệp của các công ty cung ứng.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp ở Việt Nam khá mới mẻ. Trong giới doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực an ninh dân sự này, Yuki Spe 24, Long Hải, Thăng Long, Sài Gòn Nam Chính Trực trả lương nhân viên tương đối cao. Còn lại tại hầu hết các công ty khác, hiện nay bình quân thu nhập mỗi vệ sĩ chỉ ở ngưỡng 700.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa hẳn đã cao so với các ngành nghề khác, nhưng khá đông thanh niên tìm việc vẫn hăng hái lao vào. Mỗi người theo đuổi nghề này đều có một lý do riêng nhưng chung quy theo họ đây là một nghề “có sức hấp dẫn đặc biệt”.
Nghề kinh doanh dịch vụ an ninh dân sự này hằng năm đem về cho các công ty một khoản doanh thu không thể gọi là nhỏ. Vì thế, thấy người “ăn khoai”, kẻ khác cũng “vác mai đi đào”. Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện có trên 80 công ty, riêng TP.HCM đã có hơn 69 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ là một nghề đặc biệt. Công an là đơn vị cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu cũng chỉ quanh quẩn về mặt hình thức, hành chính. Chính trong những cuộc họp với doanh nghiệp, cấp quản lý vẫn thừa nhận đây đó việc quản lý còn có chỗ lỏng lẻo sơ sài. Về đào tạo, trước đây, đa số doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các trung tâm, đơn vị chuyên môn – các trường đại học, trung học cảnh sát, an ninh, cảnh sát PCCC, hội chữ thập đỏ… Nhưng thực tế hiện nay, phần lớn quá trình đào tạo đều do các công ty, doanh nghiệp tự đảm nhận. Các doanh nghiệp vừa là tổ chức đào tạo vừa là nhà cung cấp dịch vụ, xét một mặt nào đó thuận lợi cho người lao động. Thế nhưng hình thức độc quyền đó trong nhiều trường hợp đã dẫn đến hành động lừa đảo – một công ty dịch vụ bảo vệ ở quận Tân Phú, TP.HCM mà chúng tôi chưa tiện nêu tên – doanh nghiệp chiêu sinh, đào tạo (dĩ nhiên có thu học phí đàng hoàng) nhưng lại không bố trí việc làm cho người lao động. Chất lượng vệ sĩ còn mơ hồ ở chỗ nhiều doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận đã tiết kiệm hóa, đơn giản hóa quá trình đào tạo. Từ đó nhiều “sản phẩm” xuất xưởng không đạt yêu cầu về mặt nghề nghiệp. Lương thấp, không được đào tạo bài bản, quản lý nghiêm ngặt, không ít nhân viên bảo vệ an ninh đã làm những chuyện khó có thể chấp nhận: thông đồng ăn cắp tài sản của khách hàng, hành hung,, bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm đồng loại, cư xử theo lối giang hồ làm mất trật tự trị an nơi được phân công công tác…
Bạn đọc hẳn còn nhớ: cách đây không lâu, năm 2002 đã từng xảy ra vụ Xí nghiệp Toyota Đông Sài Gòn (TESC) thuê vệ sĩ Công ty bảo vệ TL để giải quyết tranh chấp mặt bằng với Công ty TNHH Ô tô Đông Sài Gòn (DOSAGO). Toán vệ sĩ này cùng với cánh bảo vệ nội bộ của TESC đã dùng dùi cui, roi điện phong tỏa khu vực tranh chấp. Cuộc hỗn loạn có sự tham gia của lực lượng bảo vệ chính quy này đã gây ra một dư luận rất xấu trong nhân dân. Mới đây nhất, ngày 14/4/2004, tại khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, do giải quyết hiềm khích với nhau, hai nhóm bảo vệ Y.S và T.L “71” đã gây ra một vụ ẩu đả. Theo Thiếu tá Trần Quang Hiệp, Trưởng Công an thị trấn Phú Mỹ, sự vụ xuất phát từ việc ngày 28/3/2004, một nhân viên của Công ty T.L bị bảo vệ của Công ty Y.S bắt làm kiểm điểm vì tình nghi bảo vệ của T. L ăn cắp dầu. Tối 14/4/2004, toán nhân viên của T.L đã bất ngờ kéo lực lượng từ thôn Ngọc Hà qua Quảng Phú (cùng ở thị trấn Phú Mỹ) “viếng” nhà trọ của đám nhân viên Y.S. Một cuộc tập kích bằng mưa đá, gậy gộc diễn ra. Toán bảo vệ T.L xông vào nhà trọ của nhân viên Y.S đập bể cửa kính, lôi 3 nhân viên của Y.S ra hành lang đánh, bắt quỳ xuống xin lỗi. Một cách hành xử chắc chắn hoàn toàn không có trong giáo trình huấn luyện nghề vệ sĩ.
Chắc sẽ có nhiều người bảo: sự việc đó cũng chưa có gì ghê gớm! Nhưng nếu đặt trong bối cảnh nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ đang bộc phát (chưa chắc đã được kiểm soát chặt chẽ!) như hiện nay, trong khi chưa có một quy định nào khả dĩ hướng dẫn cặn kẽ cho các doanh nghiệp hoạt động (ngoài Nghị định 14, 47 của Chính phủ và Thông tư 07 của Bộ Công an), chưa có những chế tài thật nghiêm minh để xử lý những trường hợp vi phạm… cộng với ảo tưởng về một thứ quyền lực mơ hồ có được do tác phong “oai vệ” và công việc đặc biệt của mình tạo ra, một bộ phận vệ sĩ đã hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp như thế. Bên cạch đó, thực tế đã có việc một số doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động được và tự tiện chuyển giao tư cách pháp nhân cho người khác, cũng như khâu tuyển chọn và quản lý nhân viên của nhiều công ty chưa thật chu đáo, kỹ càng. Giả dụ, nếu có những đối tượng xấu trà trộn, lợi dụng hoạt động làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự thì sao? Rõ ràng, nếu không kiểm soát được đây sẽ là một lực lượng bảo kê, vô tình có được sự tiếp tay của Nhà nước. Điều đó thật nguy hiểm khôn lường.
Nguyên thủy, nghề vệ sĩ ra đời không chỉ nhằm mục đích kinh doanh. Và dù khá mới mẻ nhưng từ lúc xuất hiện đến nay, nghề vệ sĩ đã góp phần không nhỏ trong phong trào bảo vệ anh ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác… Đã có những tấm gương người tốt việc tốt là vệ sĩ – ngăn chặn những vụ móc nối trộm cắp trong các khu chế xuất, truy bắt tội phạm cướp giật, nhặt được của rơi trả người bị mất,… Đặc biệt điển hình như gương nhân viên Công ty Đ.N.A dũng cảm cứu hơn 300 người thoát chết trong vụ cháy ITC. Đó là những hạt nhân tích cực trong phong trào giữ gìn bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội rất đáng khen ngợi. Chắc chắn họ làm việc đó vì không chỉ mình vai u thịt bắp, có dùi cui, nón két, roi điện, bộ đàm…
Ai đó đã nói rằng người vệ sĩ hiện đại cần phải biết cách quên để nhớ nhiều thứ. Nhưng có một thứ họ không thể quên đó là đạo đức và lối hành xử có văn hóa, ít nhất cũng là tối thiểu của một người bình thường. Trong nhiều giáo trình huấn luyện của các công ty vệ sĩ đều có nhắc: “Bạo lực, võ thuật chỉ là phương tiện tự vệ cuối cùng”. Bài học thật hay, nhưng không hiểu đặt trong tình trạng nghề kinh doanh bảo vệ còn tranh tối, tranh sáng như hiện nay, liệu nó có hiện diện được suốt mỗi thời khắc trong đời người vệ sĩ?
Công ty SBC St
Vệ sỹ – nghề hấp dẫn giới trẻ – Công ty SBC
“Thường xuyên vắng nhà, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm. Khi thân chủ nghỉ ngơi là lúc mình phải tỉnh táo. Thu nhập không cao song tôi thấy vui vì có điều kiện để che chở cho người khác và chống lại cái ác”, anh Hoàng Văn Ân, một vệ sỹ lâu năm của Công ty Cổ phần bảo vệ Đại Gia tâm sự.
Nghề bảo vệ chuyên nghiệp hay còn gọi là vệ sỹ xuất hiện từ cuối năm 1995. Đến nay, ngành này đã có trên 30 doanh nghiệp với khoảng 7.000 người, trong đó đa số là nam giới, chỉ có 10% là nữ, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Vài năm trở lại đây ở một số tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… cũng xuất hiện các công ty bảo vệ.
Để trở thành một vệ sỹ thực thụ, các nam thanh niên phải đạt tiêu chuẩn cao trên 1,68 m, cân nặng trên 57 kg, nữ từ 1,58 m, cân nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, dẻo dai, nhanh nhẹn, tư cách tốt, lý lịch trong sạch, trình độ học vấn tối thiểu tốt nghiệp THPT, ưu tiên người biết ngoại ngữ và bộ đội, công an nghĩa vụ phục viên.
Các công ty bảo vệ có quy trình tuyển người khá giống nhau. Thí sinh phải qua kiểm tra thị lực, thính lực và đặc biệt là kiểm tra thể lực ban đầu bằng động tác chống đẩy trong vòng 45 giây (tương đương 45 lần). Ở vòng chiều cao, cân nặng, mắt, tai có thể lọt qua dễ dàng, song đến vòng chống đẩy nhiều sĩ tử đã phải đầu hàng. Trong buổi thi tuyển vào Công ty bảo vệ Đại Gia (Gia Lâm, Hà Nội), Trần Mạnh Kiên, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT, dù hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng cũng đành ngậm ngùi gác lại mơ ước trở thành vệ sỹ. Đến vòng thể lực anh lấy hết bình sinh cũng chỉ chống đẩy được vài lần. Qua vòng sơ tuyển, các vệ sỹ tương lai sẽ bước vào khóa đào tạo từ 2 đến 3 tháng với kiến thức cơ bản về pháp luật, sơ cứu ban đầu, phòng chống và phương án đối phó khi xảy ra cháy nổ, nhận biết bom mìn, biết bắn súng và võ thuật.
Tất cả vệ sỹ khi được đào tạo đều thống nhất nguyên tắc được ghi trong giáo trình: “Sự an toàn của thân chủ là thước đo năng lực làm việc của nhân viên và thành công của doanh nghiệp”. Ông Phạm Quy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Long Hải, nói: “Người vệ sỹ phải luôn có được cái đầu mát và coi sự an toàn của thân chủ là trên hết”. Để bảo vệ an toàn cho khách hàng, anh Tô Ngọc Hải, nhân viên công ty Hoàng Gia, làm tại Bar Phi Thuyền (TP HCM) đã lấy thân mình che cho thân chủ trong một vụ tấn công của xã hội đen. Vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC hồi cuối năm ngoái, nhân viên công ty Long Hải cứu được gần 300 người. Anh Vũ Tín, một trong những nhân viên đó, được người dân TP HCM nhớ mãi về lòng dũng cảm, song lý do anh lao vào lửa cứu người thật giản đơn: “Tôi đã cứu được 2 người, lúc đó nếu có chết cũng vẫn lãi được một người”.
Một buổi tập của các “vệ sỹ”. |
Thu nhập trung bình của nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp tại hầu hết các công ty từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Một số công ty thành lập sớm như: Long Hải, Thăng Long, YUKI 24/24, Long Hổ, SCD, Hoàng Gia… có mức thu nhập cao hơn. Không ít vệ sỹ làm tốt nhiệm vụ đã được khách hàng bồi dưỡng thêm hay tặng quà nhân ngày lễ, tết. Anh Nguyễn Đình Khiêm, bảo vệ tại khu biệt thự tập đoàn Nike, khu công nghiệp Sóng Thần, hồ hởi cho biết: “Do làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi tháng thân chủ bồi dưỡng thêm 20 USD”. So với nhiều ngành nghề khác mức thu nhập này chưa phải là cao song lại hấp dẫn không ít thanh niên. Anh Ân, sau nhiều năm theo nghề bộc bạch: “Tôi chọn làm vệ sỹ do yêu thích sự mạo hiểm và muốn được làm người hùng”.
Mặc dù không rầm rộ như các lĩnh vực khác nhưng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sỹ cũng có doanh thu hàng năm không nhỏ bởi ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp muốn thuê bảo vệ chuyên nghiệp. Ông Đặng Việt Hùng, trưởng phòng kinh doanh công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoàng Gia (Hải Phòng) cho biết doanh thu của đơn vị khoảng 2 tỷ đồng/tháng, các doanh nghiệp khác cũng xấp xỉ con số này.
Thời gian tới, các công ty bảo vệ chuyên nghiệp sẽ tích cực mở rộng thị trường và chú trọng hơn đến phát triển loại hình mới. Được đánh giá là doanh nghiệp chịu đầu tư trong lĩnh vực này, Công ty Hoàng Gia sẽ mở thêm một dịch vụ mới là lực lượng phản ứng nhanh. Các gia đình, công sở khi đi vắng, nếu xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ hoặc bị kẻ gian đột nhập, hệ thống thiết bị bảo vệ tự động sẽ báo về trung tâm điều hành của công ty và đội phản ứng nhanh sẽ có mặt tại hiện trường chỉ sau ít phút. Bên cạnh đó, Hoàng Gia cũng vừa gia nhập Hiệp hội An ninh Công nghiệp Mỹ và tiến tới áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000.
Thế Dũng
Vệ sĩ không đơn giản là nghề “cơ bắp”
Áp lực của công việc, vất vả trong luyện tập cùng sự khắc nghiệt của nếp sống nhà binh… là những yêu cầu tối thiểu đối với một người muốn làm nghề vệ sĩ. Do đó, đến với nghề này nếu đơn thuần chỉ vì cuộc sống mà không có lòng đam mê thì việc bỏ nghề là khó tránh khỏi…
Nghề là nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những người thành lập hoặc đến làm việc tại các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, đều là những người đã từng trải qua cuộc đời quân ngũ hoặc từng là công an. Và có lẽ cũng chỉ những người chịu được cuộc sống, công việc có tính kỷ luật cao như trong quân đội, công an mới bám trụ được với nghề này.
Có thể kể tên hàng loạt các công ty vệ sĩ có tên tuổi tại TPHCM đều do những người từng là sĩ quan quân đội, công an thành lập như Công ty Dịch vụ bảo vệ Long Hải, Sài Gòn Nam Chính Trực, Hoàn Cầu…
Còn đối với những vệ sĩ thì sao? Anh Nguyễn Văn Xuân, nguyên thiếu úy sĩ quan dự bị tại Huyện đội Côn Đảo cho biết: Sau khi ra quân, dù đã làm nhiều nghề với mức lương đủ sống nhưng những kỷ niệm về cuộc sống nghiêm khắc ở quân đội luôn thôi thúc anh tìm một môi trường làm việc có tính kỷ luật cao.
Anh Xuân nói: “Dù trải qua nhiều việc nhưng tôi chưa tìm được một nghề phù hợp với mình. Khi nghe Công ty TNHH Bảo vệ và An toàn (ISP) tuyển nhân viên làm vệ sĩ tôi đăng ký liền. Sau một năm làm việc tôi nhận thấy đây đúng là môi trường thích hợp để mình phát huy khả năng…”.
Có lẽ với bất cứ ai khi bước vào nghề đều nghĩ ngay đến những ngày tháng gian khổ luyện tập, cùng với kỷ luật khắt khe trong công việc mà nếu chỉ vì kiếm sống chưa hẳn ai cũng có thể vượt qua được.
Lãnh đạo một công ty dịch vụ bảo vệ cho biết, những tố chất cần thiết cho nghề vệ sĩ là thể hình tốt, tính kỷ luật cao, linh hoạt và lòng đam mê… Trong đó 3 yếu tố đầu thì không đâu sàng lọc, đào luyện tốt hơn lực lượng vũ trang. Do đó có đến 70% nhân viên của các công ty kinh doanh dịch vụ này là bộ đội xuất ngũ hoặc công an chuyển ngành.
Và đó cũng là lý do chính khiến hầu hết các công ty dịch vụ bảo vệ đều ưu tiên cho các đối tượng từng là bộ đội và công an. Một lý do khác, ngay bản thân nhiều thanh niên xuất ngũ nếu muốn có việc làm phải có nghề hoặc vốn, mà hai thứ này đều không dễ có ngày một ngày hai.
Trong khi đó, nếu xin vào các công ty dịch vụ bảo vệ họ có thể hưởng lương ngay từ giai đoạn học nghề và chỉ mất từ 1-3 tháng là đã có việc làm với mức lương đủ sống.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là sự đam mê. Cách đây vài năm, một nhóm đồng hương Bình Định bỗng xôn xao về việc anh Đặng Ngọc Tùng, người đang kinh doanh ăn uống tương đối thành đạt bỗng nhiên bỏ ngang để cùng một số người bạn đã xuất ngũ đứng ra thành lập Công ty Dịch vụ bảo vệ Nam Thiên Long.
Tùng cho biết, “là người đất võ Bình Định, lại rất mê ngành công an nhưng vì hoàn cảnh tôi không thể theo ngành được. Sau gần 10 năm làm ăn ở thành phố tôi quyết định đến với nghề vệ sĩ để thỏa lòng đam mê và cũng góp phần cho sự an toàn của xã hội…”.
Quản lý “vỏ”, buông lỏng “ruột”!?
Mặc dù manh nha từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến đầu những năm 2000 các công ty kinh doanh lĩnh vực này mới rầm rộ ra đời. Tính đến đầu tháng 3 – 2008, toàn TPHCM có 158 doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ đang hoạt động.
Khác với các loại hình dịch vụ khác, dịch vụ bảo vệ không tập trung nhiều ở khu vực trung tâm thành phố. Dẫn đầu danh sách là quận Gò Vấp với 22 doanh nghiệp; Bình Thạnh có 19 doanh nghiệp; Tân Bình đang quản lý 14 doanh nghiệp đang họat động…
Giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14.
Mặc dù trong cả nghị định lẫn thông tư đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, trong cả 2 văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một vệ sĩ trước khi hành nghề.
Theo Trung tá Đoàn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh, PC13, Công an TPHCM, hiện nay, chỉ một vài công ty dịch vụ bảo vệ có ISO về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên.
Đồng thời, mặc dù đã trở thành một nghề nhưng trong hệ thống trường nghề của cả nước đều chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào, cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “vệ sĩ” của Việt Nam.
Một trong những điểm hiếm hoi có đào tạo cấp chứng chỉ cho nghề này là Trường Đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên số lượng học viên ra trường và có chứng chỉ nghề còn khá khiêm tốn so với số lượng khá lớn đang được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty.
Tiêu chuẩn vệ sĩ: “Trăm hoa đua nở”!
Đa số các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều tự đề ra các chương trình huấn luyện nhân viên của mình. Công ty nào mạnh thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn quan trọng như PCCC, sơ cấp cứu…
Trong đó, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng đề ra tiêu chuẩn nhân viên rất thấp. Họ không quan tâm cả về trình độ học vấn, văn hóa lẫn thể hình, sức khỏe. Điều này đã dẫn đến thực trạng là nhiều bảo vệ có vóc dáng rất xấu và cư xử thiếu văn hóa với khách hàng, người dân khi đến giao dịch.
Ông Phạm Chí Điện, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực cho biết: “Hiện nay hầu hết các công ty hoạt động trên lĩnh vực này đều tự xây dựng giáo trình, tự đào tạo… Công ty nào mà người lãnh đạo có nghiệp vụ về nghề thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn thông thường như võ thuật, điều lệnh… chính vì vậy chất lượng giữa các công ty rất khác nhau…”.
Thời gian qua, có không ít công ty khi mở ra, thu tiền đào tạo của học viên và chỉ sau một vài tháng đào tạo rồi giải tán mà không tạo việc làm cho những người đã đóng tiền để học nghề.
Chuẩn hóa nghề – bao giờ?
Buổi diễn tập của một công ty vệ sĩ
ẢNH: LÃ ANH |
Từ năm 2001 đến nay, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13, Công an TPHCM) đã phát hiện khá nhiều sai phạm trong hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ. Công an TPHCM đã ra quyết định xử phạt 47 cơ sở và thu hồi giấy phép kinh doanh của 2 công ty vì không đủ khả năng hoạt động.
Phần đông các cơ sở đều vi phạm các lỗi như: Tuyển dụng người không đúng chức năng; không cấp giấy chứng nhận cho nhân viên; sử dụng gậy cao su, gậy sắt trái phép; không quản lý, điều hành được nhân viên dẫn đến tình trạng nhân viên đánh nhau và đánh nhau với người ngoài; quảng cáo trên báo, đài không đúng quy định; kinh doanh không đúng địa chỉ, địa bàn đã ghi trong giấy phép; cho người nước ngoài tham gia vào ban điều hành…
Để phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ vệ sĩ tư nhân hiện nay, rất cần một quy định, một hệ thống quy chuẩn cụ thể rõ ràng và theo kịp thực tế phát triển của nghề này.
Thực tế, gần 10 năm qua, số lượng các công ty kinh doanh lĩnh vực này đã tăng gấp nhiều lần. Nếu so sánh với các nghề khác có giáo trình đào tạo bài bản, có chứng chỉ nghề được xã hội công nhận và được Tổng cục Dạy nghề quản lý… thì nghề vệ sĩ vẫn đang ở mức tự phát.
Nếu được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng lực lượng vệ sĩ sẽ góp phần vào bảo vệ trật tự, an ninh xã hội. Mặt khác, đây cũng là ngành nghề rất nhạy cảm rất dễ bị lạm quyền, nếu không kịp thời tăng cường quản lý ngay từ bây giờ, với mức độ như hiện nay, không lâu nữa nghề này sẽ phát triển tự phát và khi đó chúng ta sẽ phải gánh những hậu quả đáng tiếc….
Chiến Dũng – Đoàn Hiệp
Theo SGGP
Công ty bảo vệ SBC
Định hướng phát triển
Công ty SBC đã và đang được công nhận là công ty dịch vụ bảo vệ hàng đầu và có chất lượng dịch vụ bảo vệ tốt nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó chúng tôi không ngừng củng cố về chất lượng dịch vụ và cũng luôn áp dụng các phương pháp đào tạo và tái đào tạo tiên tiến và ưu việt nhất cho đội ngũ nhân viên và đội ngũ quản lý.
Chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động nhưng công ty SBC đã tuyển dụng và cung cấp một hàng ngũ nhân viên ưu tú đầy năng lực, nghiệp vụ, kinh nghiệm, trách nhiệm và số nhân viên của chúng tôi đang tăng trưởng theo cấp số nhân vì mỗi thành viên đều hiểu và công nhận rằng công ty SBC đã cung cấp và đảm mọi quyền lợi, chế độ ưu đãi hơn nhiều lần các công ty cung cấp dịch bảo vệ khác, do đó mỗi thành viên của công ty SBC đều cố gắng nỗ lực hết sức mình để đóng góp tạo niềm tin, uy tín cho công ty cho khách hàng và cho xã hội
Công ty SBC
Phim vệ sĩ – Bodyguard
Đạo diễn: Jun Ki Sang
Diễn viên: Cha Seung Won, Sim Eun Kyung, Han Go Eun, Lee Won Jong
Nhà sản xuất: KBS
Thể loại: Hình sự
Tổng số: 22 tập
Quốc gia: Hàn Quốc
Giới thiệu : Hong Kyung-tak là một anh chàng cao to và tốt bụng nhưng thất nghiệp, dù anh đã đi khắp nơi để kiếm việc nhưng do có bản tính muốn “trừ gian diệt bạo” nên anh không làm việc ở chỗ nào ra hồn vì những chỗ anh làm toàn là quán ba, vũ trường…
Nhưng bước ngoặt đã đến với cuộc đời anh vì cũng sau một lần “ra tay diệt ác” mà anh vô tình được KBB, một công ty vệ sĩ nổi tiếng ở Hàn Quốc chú ý. Và thế là, từ đó, anh có 1 công việc ổn định, vừa hợp với tính cách, ngoại hình anh và cũng kiếm ra nhiều tiền.
Với tính tình vui vẻ, tốt bụng và nhiệt tình trong công việc, anh được mọi người trong KBB rất yêu mến, quý trọng, đặc biệt là cô nàng vệ sĩ xinh đẹp Park Yu-jin. Tuy nhiên, giám đốc của KBB là Han Sung-su thì vô cùng căm ghét Kyung-tak đơn giản là do đáng ghen với anh, vì không thể chiếm được cảm tình của Yu-jin. Thế nhưng, Kyung-tak thì lại có vẻ thích cô nàng hàng xóm Na-young hơn vì vẻ ngây thơ, trong trắng của cô.
Công việc của Kyung-tak về sau này càng khó khăn, nguy hiểm hơn khi mà các thế lực xã hội đen trong thành phố liên tục hoành hành, và sau này anh còn phát hiện ra nhiều điều uẩn khúc, đen tối sau công ty KBB trong vụ bầu cử tổng thống và bất ngờ hơn khi Na-young cũng bị liên quan vào các hoạt động ngầm bất chính của KBB và các thế lực mafia.
Mốt… vệ sĩ riêng
Trước đây, chuyện thuê vệ sĩ riêng thường chỉ phổ biến trong giới “đại gia”, các VIP… hoặc ít ra cũng là những người lắm tiền nhiều của. Nhưng bây giờ, chuyện thuê vệ sĩ riêng đang trở thành mốt khi những người chỉ có mức sống “thường thường bậc trung” và cả những nông dân mới bán đất cũng bỏ tiền ra thuê vệ sĩ.
Dạo này, mỗi khi xuất hiện trước đám đông hay đi dự tiệc, họp mặt bạn bè, thậm chí đi nhậu…, người ta thấy đứng kè kè cạnh ông T.M.H., chủ quán phở HA trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM), là một chàng trai lực lưỡng trông rất ngầu. “Vệ sĩ riêng của tôi đấy” – ông H. giới thiệu đầy hãnh diện.
Mốt
Ông H. quyết định thuê hẳn một vệ sĩ riêng cách đây bốn tháng với giá 10 triệu đồng/tháng từ Công ty bảo vệ Phước Bình. Lý do ông H. đưa ra để thuyết phục gia đình cũng như giải thích với bạn bè về việc thuê vệ sĩ riêng thật đơn giản: cách đây ít lâu ông từng nhận được một vài tin nhắn đe dọa tính mạng mà ông nghi ngờ có thể từ “đối thủ”… bán phở cạnh tranh của mình.
“Thời buổi làm ăn khó khăn này khó ai có thể lường trước những kẻ thù ẩn mặt. Chẳng thà chịu tốn kém chút đỉnh mà an toàn tính mạng” – ông H. bảo. Nhưng đôi lần nhậu say, ông mới tâm sự thật lòng rằng ông thuê vệ sĩ vì cả nhóm bạn ông chơi chung gần chục người ai cũng có vệ sĩ riêng.
Ông H. bảo bây giờ người ta không chỉ chứng tỏ “đẳng cấp” với nhau ở chuyện sắm một chiếc xe hơi, mua một miếng đất vùng ven hay căn nhà mặt tiền… mà còn ở việc có hay không có vệ sĩ riêng. “Chẳng lẽ mình lại không bằng bạn bè. Đi đâu cũng có vệ sĩ đi kèm trông oách lăm. Thôi kệ, chịu tốn kém nhưng nở mặt nở mày, cái gì cũng có giá của nó cả…” – ông H. nói.
Theo ông H., nhóm bạn ông có người là chủ cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, chủ quán cà phê, buôn bán bất động sản, lại cũng có người ở nhà cho thuê xe du lịch…, thu nhập chỉ ngót nghét 30-40 triệu đồng/tháng mà vẫn thuê vệ sĩ riêng được còn ông tại sao không! Nhưng xem ra cái khoản “tốn kém chút đỉnh” vì thuê vệ sĩ lên đến chục triệu đồng của ông cũng không đơn giản chút nào vì sau khi “cân đối thu chi”, khoản thu nhập dư ra từ tiền bán phở hằng tháng để cất vào quỹ gia đình bị teo tóp đáng kể. Vợ ông trong dạ cũng héo hon nhưng bấm bụng cho vui lòng chồng.
Theo hợp đồng được ký kết, người vệ sĩ riêng này luôn túc trực bên ông H. 24/24 giờ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần. Có nghĩa tất cả thời gian đi lại, ăn ngủ, nghỉ, gặp gỡ bạn bè… của ông H. đều nằm trong tầm bảo vệ của vệ sĩ. Ngay cả lúc ông H. đứng nấu phở, vệ sĩ của ông cũng âm thầm đứng trong một góc tường săm soi quan sát… khách.
Ông L.K.M., nhà bên khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) vừa nhận tiền đền bù gần 20 tỉ đồng, nói: “Số tiền lớn quá, tuy đã gửi ngân hàng rồi nhưng tôi vẫn không yên tâm. Lỡ bọn xấu đe dọa, bắt cóc tống tiền mình thì sao”. Vậy là ông M. đến ngay Công ty bảo vệ Tân Hoàng ký hợp đồng thuê một vệ sĩ. Để trông giống “yếu nhân”, ông M. tậu một chiếc xe hơi đời mới trị giá 1 tỉ đồng cùng tài xế riêng. Khi đến bất kỳ chỗ nào, ông vừa bước xuống xe là cạnh bên có một vệ sĩ cao to đeo kính đen trông rất oách.
Bạn thân của ông M., ông T.V.B., nông dân ở Long Thạnh Mỹ, quận 9, vừa bán đất được hơn chục tỉ đồng cũng không chịu kém cạnh. Ông này vừa thuê vệ sĩ riêng với giá 12 triệu đồng/tháng.
Trước đây ông B. sống bằng nghề nông, từ dạo bán đất, có tiền rủng rỉnh và cũng chẳng còn công việc gì để làm, thời gian mỗi ngày của ông B. chủ yếu dùng vào việc đi cà phê cà pháo với bạn bè và gầy độ nhậu. Do vậy, vệ sĩ riêng của ông B. khá nhàn hạ, chủ yếu chỉ đi vòng vòng bảo vệ thân chủ ở các quán cà phê, quán nhậu vùng ven. Ông B. khẳng định với bạn bè ông thuê vệ sĩ hoàn toàn không phải để làm sang, theo mốt mà vì lo ngại người ta ám hại mình. Ông nói rặt kiểu chân quê: “Cả đời có mơ cũng không tưởng tượng nổi tui có số tiền lớn như vầy. Bởi vậy ngủ cũng không yên nên thuê vệ sĩ cho chắc ăn…”.
Không chỉ thuê vệ sĩ “trọn gói” dạng 24/24 giờ trong vài tháng hoặc cả năm, nhiều người có mức thu nhập trung bình lại chọn cách thuê vệ sĩ theo giờ hoặc theo ngày. Ông N.H.N., phó phòng kinh doanh của một công ty du lịch ở quận 10 (TP.HCM), vẫn thường thuê vệ sĩ theo giờ mỗi khi đi đến những nơi mà ông cảm thấy “không an toàn” hoặc muốn “chứng tỏ mình” với bạn bè. Với giá thuê vệ sĩ theo giờ của một số công ty vệ sĩ là 50.000-100.000 đồng/giờ, tối thiểu thuê trong năm giờ, ông N. chọn cách này để vừa với mức thu nhập hăng tháng chỉ hơn chục triệu đồng của mình.
Trong những tiệc nhậu quan trọng với đối tác làm ăn, ông N. oai vệ xuất hiện cùng một vệ sĩ. Sau tiệc nhậu, hết giờ nhậu cũng là hết giờ dịch vụ thuê vệ sĩ thì thân chủ và vệ sĩ sẽ đường ai nấy đi.
Chuyện người trong cuộc
Ông H. bảo có vệ sĩ riêng tuy “oai thì oai thật” nhưng lắm khi cũng rắc rối đủ điều. Thời gian đầu có vệ sĩ riêng thì thấy oách với mọi người, nhưng nhiều khi đâm ra khó chịu vì tất cả thời gian riêng tư của mình đều có người khác xen vào. Trong khi đó, theo hợp đồng thì 24/24 giờ vệ sĩ phải túc trực bên thân chủ. Một số người khách của ông H. có vẻ ngần ngại khi đến quán phở của ông do ánh mắt săm soi, dòm ngó của anh vệ sĩ. “Tôi mới ký kết lại hợp đồng với bên công ty bảo vệ về nội quy, giờ giấc cho phù hợp hơn. Bởi trước đây, cậu vệ sĩ cứ bám riết lấy mình vì cậu ta bảo nếu không như vậy sẽ bị công ty phạt” – ông H. nói.
Ông B. cũng hai lần đề nghị thay vệ sĩ vì người vệ sĩ đầu tiên có gương mặt quá “ngầu”, lại có vẻ khó chịu làm bạn bè và người thân của ông cũng ngại ngần khi tiếp xúc với ông. Còn người vệ sĩ thứ hai thì mang chuyện ông đi với bồ “nhí” báo lại cho bà vợ của ông.
“Một số người bạn của tôi từng bị vệ sĩ riêng lấy những thông tin mật, hình ảnh riêng tư rồi cung cấp cho đối thủ của họ hay tống tiền chính thân chủ của mình. Bởi vậy tôi chỉ chọn công ty bảo vệ nào có uy tín mới ký hợp đồng thuê vệ sĩ riêng“ – ông H. cho biết.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên vệ sĩ của Công ty Phước Bình, người vừa hoàn tất hợp đồng làm vệ sĩ riêng trong một năm cho thân chủ là chủ một quán ăn nhỏ ở quận 3, không nhận xét gì về thân chủ của mình vì theo anh, “đó là nguyên tắc nghề nghiệp”. Anh chỉ nhận xét chung rằng phong trào thuê vệ sĩ riêng ở Sài Gòn chưa xuất phát từ nhu cầu cần bảo vệ bản thân của một số người mà giống như là mốt nhiều hơn. “Tất nhiên, thân chủ đã thuê thì mình phải phục vụ hết mình và nghiêm túc đúng như hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, có trong cuộc mới tận mắt chứng kiến lắm câu chuyện bi hài mà đôi khi người vệ sĩ riêng trở thành một thứ trang sức, tô điểm thân chủ mình nhiều hơn là cần bảo vệ họ”.
HOÀNG SƠN
Công ty SBC
Vệ sĩ bất đắc dĩ
“Thật là hài hước khi xem một ngôi sao thuộc hàng “cứng” nhất của Hollywood cố tìm cách xoay xở với một đứa bé đèo trên vai, đứa khác thì đèo trước ngực”, Jonathan Glickman – nhà đồng sản xuất phim thốt lên, khi nói về nhân vật Shane Wolfe do Vin Diesel đóng.
Nhắc đến Vin Diesel, ai cũng nghĩ đến những pha bạo lực, súng ống, những trò tốc độ và một ngoại hình vạm vỡ, cơ bắp trong XXX và The Fast and the Furious. Người xem phim quen thuộc với hình ảnh Vin là một anh hùng sắt thép, nhưng sẽ thấy nam diễn viên gạo cội của Hollywood chịu thua trận và bó tay trước lũ trẻ con quái chiêu nếu bỏ qua bộ phim hài vui nhộn Vệ sĩ bất đắc dĩ (tựa đề gốc là The Pacifier)
Shane Wolfe (Vin Diesel đóng) là một binh sĩ “thép”, sống qui tắc đúng theo kiểu nhà binh, bộ dạng lẫn tính tình rất cứng rắn. Khi được cấp trên giao nhiệm vụ bảo vệ cho gia đình của một nhà khoa học bị ám sát và người vợ phải đi làm nhiệm vụ quan trọng trong vài ngày, để lại năm đứa con cho Shane quản lý tạm thời.
Shane bất đắc dĩ đã trở thành “chị” giữ trẻ mà nắm đấm của anh có mạnh cỡ nào cũng không thể chiến đấu nổi lực lượng 5 “chiến sĩ nhí” lắm trò. Anh buộc phải chuyển “thế trận”: chăm sóc lũ trẻ bằng tình thương lẫn kỷ luật.
Tuy nhiên, chính lũ trẻ làm cho Shane thay đổi tính cách lạnh lùng và rắn rỏi của anh. Anh và lũ trẻ trở nên thân thiện, gắn bó, làm cho nhau phát triển tốt đẹp hơn.
Vin Diesel tâm sự: “Tôi bị vai diễn trong Vệ sĩ bất đắc dĩ thu hút vì không những sự hài hước mà qua đó, tôi khám phá tính cách của một người khi thay đổi như thế nào. Bộ phim rất vui nhộn và có những cảm xúc, đặc biệt quan hệ giữa Shane và lũ trẻ”.
Bộ phim giải trí vui nhộn, rất nhẹ nhàng Vệ sĩ bất đắc dĩ bắt đầu khởi chiếu ngày 12/8 tại các rạp ở Hà Nội.
Nguyễn Hằng
Việt Báo
(Theo_DanTri)
Công ty SBC