Siêu đặc nhiệm bảo vệ thượng đỉnh Mỹ – Triều
Singapore tung siêu đặc nhiệm bảo vệ thượng đỉnh Mỹ – Triều
Singapore có thể điều động lực lượng đặc nhiệm Gurkha, những chiến binh nổi tiếng tinh nhuệ và thiện chiến hàng đầu thế giới, bảo vệ thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 12/6.
Theo nhiều nhà ngoại giao, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có mật vụ tháp tùng, Singapore vẫn áp dụng đủ biện pháp an ninh tối đa theo đúng tiêu chuẩn dành cho các sự kiện chính trị quan trọng.
Địa điểm tổ chức thượng đỉnh, các tuyến đường và khách sạn trọng điểm sẽ được bảo vệ bởi cảnh sát vũ trang của Singapore, trong đó có các đơn vị đặc nhiệm người Gurkha đến từ Nepal.
Đặc nhiệm Gurkha canh gác bên ngoài khách sạn Shangri-La từ ngày 1-3/6. Ảnh: Reuters. |
Cuối tuần qua, Singapore cũng điều động lực lượng này đảm bảo an ninh cho sự kiện Đối thoại Shangri-La 2018. Nhiều chuyên gia an ninh đánh giá đây là đợt “chạy thử” trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 12/6.
Trong khi đó, người phát ngôn của cảnh sát Singapore vẫn không tiết lộ vai trò của lực lượng đặc nhiệm này trong kế hoạch an ninh sắp tới.
Bộ tộc chiến binh huyền thoại
Mỗi khi được chính phủ Singapore triển khai làm nhiệm vụ, các chiến binh Gurkha luôn vũ trang “tận răng” với áo giáp, súng trường tấn công FN SCAR của Bỉ, súng lục dự phòng và con dao lưỡi cong khukri. Theo truyền thống của bộ tộc chiến binh Nepal, một khi dao khukri rời khỏi vỏ thì phải có kẻ đổ máu.
Đặc nhiệm Gurkha được vũ trang “tận răng”. Ảnh: Reuters |
“Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của Singapore. Họ được rèn luyện để đáp ứng những yêu cầu khắt khe và nhiều áp lực như sự kiện lần này”, ông Tim Huxley, giám đốc trung tâm tại Singapore của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trả lời Reuters.
Quân đội Anh đã duy trì chính sách này hơn 200 năm qua, kể từ khi chứng kiến sự dũng mãnh của các chiến binh Gurkha trong chiến tranh Nepal vào thế kỷ 19. Giờ đây, những người con của bộ tộc thiện chiến trên vùng núi Himalaya trở thành “át chủ bài” lợi hại của quân đội Anh, Ấn Độ, Brunei và cảnh sát Singapore.
Những chiến binh Gurkha từng xuất hiện trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, đến quần đảo Falklands phía nam Thái Bình Dương trong cuộc chiến Anh – Argentina và thậm chí đã tham chiến tại Afghanistan.
“Át chủ bài” của cảnh sát Singapore
Theo thống kê của IISS, 1.800 chiến binh Gurkha trong biên chế cảnh sát Singapore, được phân vào 6 đại đội bán quân sự.
Giữa một Singapore đa văn hóa và đa sắc tộc, lực lượng đặc nhiệm Gurkha với hình ảnh trung lập là một “tài sản” an ninh quý giá đối với chính phủ nước này, ông Huxley nhận định. Lực lượng Gurkha thường xuyên được triển khai bảo vệ các VIP và chống bạo động. Khi căng thẳng khu vực gia tăng, những đơn vị Gurkha được điều động đến bảo vệ những trường quốc tế và biên giới Malaysia – Singapore.
Đơn vị đặc nhiệm Gurkha diễn tập chống khủng bố đầu năm 2018. Ảnh: Yahoo. |
Các chiến binh Gurkha được Singapore tuyển dụng khi mới 18-19 tuổi. Họ sẽ phục vụ trong biên chế cảnh sát đến năm 45 tuổi mới được hồi hương. Con em của những chiến binh này được theo học tại các trường địa phương. Tuy nhiên, những chiến binh Nepal không được phép cưới phụ nữ Singapore.
Singapore dành riêng Trại Mount Vernon, khu vực ngoại ô thành phố, cho các chiến binh Gurkha cùng gia đình sinh sống. Thường dân Singapore nếu không có nhiệm vụ sẽ không được phép đặt chân đến nơi này.
Giờ giấc sinh hoạt cũng được quản lý nghiệm ngặt, vợ của một đặc nhiệm Gurkha cho biết. “Mỗi đêm, lệnh giới nghiêm bắt đầu vào lúc 0h. Nếu có lý do chính đáng, phụ nữ vẫn được phép ra khỏi trại, nhưng đàn ông thì không bao giờ được vi phạm lệnh giới nghiêm”, cô cho biết.
“Ở đây chúng tôi phải lên giường trước 10h30 mỗi tối. Chúng tôi không được mở nhạc hay những thú vui khác. Dù chúng tôi đang mở tiệc thì cũng phải dừng lại khi đến giờ. Nếu ngoan cố vi phạm, lực lượng tuần tra sẽ có biện pháp cưỡng chế”, cô nói thêm.